Home Học tiếng anh Người Do Thái học tiếng anh như thế nào?

Người Do Thái học tiếng anh như thế nào?

0
1001

“Có hai lỗi căn bản người học tiếng Anh vẫn thường mắc phải là học từ vựng câm và học không theo cụm từ hoặc tách rời bối cảnh”, ông Nguyễn Anh Đức nhận định

“Có hai lỗi căn bản người học tiếng Anh vẫn thường mắc phải là học từ vựng câm và học không theo cụm từ hoặc tách rời bối cảnh”, ông Nguyễn Anh Đức – tác giả cuốn sách “Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh” nhận định.

Phần lớn người học tiếng Anh gặp rắc rối với việc học thuộc, ghi nhớ và sử dụng đúng từ vựng trong bối cảnh. Tình trạng phổ biến của người học ngoại ngữ nói chung và học tiếng Anh nói riêng là việc học trước quên sau, học nhiều nhưng sử dụng được ít.

Vấn đề này có nguyên nhân từ trong cách học. Nếu ta tiếp tục học như cũ thì sẽ thu kết quả như cũ, nhưng nếu ta học theo cách khác thì chắc kết quả cũng khác.

Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một kỹ thuật học ngoại ngữ khôn ngoan của người Do Thái, những người luôn được coi là rất thông minh và thú vị hơn nữa là họ thường biết khá nhiều ngoại ngữ.

Những nguyên nhân cốt lõi khiến cho việc học ngoại ngữ rất hay bị quên, hoặc không dùng đúng trước hết là do học ngoại ngữ câm.

Tức là chúng ta chỉ học bằng mắt: đọc tài liệu, gặp từ mới, tra từ điển và thậm chí tra phiên âm, viết ra giấy một cách cẩn thận, rồi tự cảm thấy hài lòng với bản thân vì “mình thật là chăm chỉ”. Tất cả quá trình học đó diễn ra hoàn toàn câm lặng.

Cách học này phát huy hiệu quả rất chậm vì nó trái ngược hoàn toàn với cách học ngôn ngữ tự nhiên của con người. Đó là khi còn rất nhỏ, chúng ta học tiếng mẹ đẻ của mình bằng tai, nghe nhiều đến mức thấm sâu những chuỗi âm thanh có nghĩa (là các từ vựng và câu) rồi hồi đáp lại những người xung quanh cũng lại bằng âm thanh do chính ta sản xuất ra, đó là lời nói.

Chúng ta cứ học bằng tai, bằng miệng và bằng mắt (mắt ở đây là quan sát hình ảnh chứ không phải là đọc chữ viết) như vậy cho đến khi giao tiếp thành thạo bằng tiếng mẹ đẻ rồi thì chúng ta mới bắt đầu thực sự học chữ viết.

Điều thú vị là cho tới khi trưởng thành, ta thuộc hàng triệu từ vựng tiếng Việt mà không cần tra bất cứ loại từ điển tiếng Việt nào. Tất cả đều tự nhiên đi vào trí nhớ của chúng ta trong môi trường giao tiếp bằng âm thanh đầy sôi động. Nó ngược lại hoàn toàn với quá trình học ngoại ngữ sau này: câm hoặc rất ít khi học bằng âm thanh.

Điều tiếp theo phải nói tới là việc học từ vựng rời rạc. Sự thật là nhiều người học thuộc rất nhiều từ vựng tiếng Anh, nhưng khi đọc bài đọc phức tạp thì lại luôn cảm thấy không thực sự hiểu được bài đọc hoặc không nghe kịp người bản ngữ nói dù cho đã biết nghĩa tất cả các từ vựng trong đó. Học từ vựng rời rạc theo danh mục từ là cách học không hiệu quả, nó thường dẫn đến cảm giác bất lực khi sử dụng từ vựng trong giao tiếp thực tiễn.

Đó là vì từ vựng thì mang nghĩa và một từ thì có thể có rất nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng giao tiếp thì ta lại nói ý, nghe ý, hiểu ý… mà mỗi ý thường được hình thành tối thiểu bằng một cụm từ, hoặc đầy đủ hơn là một câu. Nếu ta nói một từ mà người nghe vẫn hiểu ý của ta thì đó không có nghĩa là từ vựng rời rạc, đó đã đủ để hình thành ý, mà chính bối cảnh giao tiếp cụ thể ấy đã giúp từ vựng rời rạc phát huy ý của nó.

Chính vì thế, học từ vựng trong cụm từ hoặc trong câu mới thực sự giúp ta hiểu đúng và dùng đúng nó. Còn nếu chỉ học từ vựng rời rạc thì ta sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu đúng tiếng Anh, và lúc đó lại đổ thừa cho nguyên nhân muôn đời và chán nản nhất – đó là chưa có đủ ngữ pháp.

Sự thực là ngữ pháp chẳng đóng vai trò lớn đến thế trong việc bạn có hiểu đúng một cụm từ hay không. Để làm rõ hơn chi tiết này tôi xin lấy ví dụ trong tiếng Việt: “thắng” và “bại” là hai từ vựng trái nghĩa trong tiếng Việt, nhưng khi đi vào cụm từ hoặc vào câu thì chưa chắc chúng đã trái nghĩa.

Cụ thể với hai câu sau nhé: “tôi đánh thắng nó” và “tôi đánh bại nó” thì rõ ràng “đánh thắng” và “đánh bại” là các cụm từ đồng nghĩa. Nhưng “bại” và “thua” là hai từ đồng nghĩa, vậy mà vào cụm từ hoặc vào câu thì chúng lại hoàn toàn trái nghĩa. Ví dụ: “Tôi đánh bại nó” và “tôi đánh thua nó” thì chẳng đồng nghĩa với nhau chút nào. Như vậy rõ ràng cụm từ đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng ý qua các ví dụ vừa nêu.

Trong tiếng Anh cũng vậy, các từ vựng sẽ thực sự phát huy ý của nó trong trạng thái cụm từ hoặc trong câu. Ví dụ accountable có nghĩa là “có thể đếm được” và hold có nghĩa là cầm, nắm, ôm… nếu xét ở nghĩa của từng từ rời rạc, nhưng khi kết hợp với nhau thì cụm từ hold accountable lại có nghĩa là “chịu trách nhiệm” chứ chẳng liên quan gì tới nghĩa là cầm nắm hay có thể đếm được cả.

Không phải mọi từ vựng tiếng Anh khi đi vào cụm từ thì đều thay đổi về nghĩa, mà cái ta cần lưu ý là việc học từ vựng theo cụm từ hay câu sẽ là bối cảnh hẹp của từ vựng (bối cảnh rộng là cả quá trình giao tiếp có sử dụng chúng), là môi trường nuôi dưỡng ý cho từ vựng, hay nó chính là cái thực sự mà ta cần học nhất.

Còn nhiều sai lầm khi học từ vựng mà qua nhiều năm dạy học tiếng Anh tôi nhận thấy người học vẫn thường mắc phải, nhưng trong phạm vi bài viết ngắn này tôi chỉ muốn nêu ra hai sai lầm điển hình là học từ vựng câm và học không theo cụm từ hoặc tách rời bối cảnh.

NO COMMENTS