Chia sẻ kinh nghiệm học và ôn thi tiếng Anh hiệu quả

0
1160

TOEIC hiện nay là một trong số những kì thi tiếng Anh phổ biến, ngày càng nhiều trường đại học đặt làm điều kiện bắt buộc để ra trường. Hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ cuốn ebook này nhằm giúp các bạn định hình rõ hơn về những kinh nghiệm học và ôn thi tiếng Anh hiệu quả. Nào chúng ta cùng bắt đầu thôi!

kinh nghiệm học

Kinh nghiệm học luyện nghe thông dụng

Một kinh nghiệm học không thể bỏ qua là nghe thụ động

Theo phương pháp này, chúng ta nên tạo ra một môi trường nghe hoàn toàn để “tắm ngôn ngữ”. Qua thời gian, các âm đó sẽ “thấm” vào chúng ta như cách mà người nước ngoài họ “thấm” ngôn ngữ của họ, lúc đó chúng ta sẽ nghe một cách rõ ràng, tự nhiên. Mình làm theo bằng cách mở máy tính cho phát tiếng Anh suốt hàng giờ liền, cả đi ngủ cũng mở ra rả. Kết quả sau mấy tuần thì mình thấy phương pháp này có 2 khuyết điểm. Thứ nhất, phương pháp này khá… tốn điện (mở máy hàng giờ ^^).

Khuyết điểm thứ hai quan trọng hơn là mỗi đợt như vậy mình cảm thấy đầu óc mệt mỏi và nặng nề trong khi khả năng nghe vẫn vậy. Đến một ngày nọ, mình đọc được thông tin là có người ở nước ngoài 10 năm vẫn không hiểu được tiếng Anh. Lúc đó mình vỡ lẽ và tự hỏi: “Tại sao người đó ở nước ngoài 10 năm, “tắm ngôn ngữ” hàng ngày mà vẫn không nghe được? Theo lý thuyết kia thì người đó phải nghe như người bản xứ chứ?” Bản thân mình cũng cảm thấy nó không hiệu quả nên đã từ bỏ phương pháp này.

Kinh nghiệm học tiếng Anh hiệu quả đó là chép chính tả

Kinh nghiệm học hiệu quả đó chính là chép chính tả, chúng ta sẽ nghe và ghi ra giấy hoặc đánh máy lại tất cả những gì bạn nghe được. Phương pháp này được sử dụng khi ôn thi TOEIC. Kinh nghiệm học của mình là làm xong một test, sau đó nghe đi nghe lại và đánh máy gần như tất cả nội dung của test. Kết quả là sau đó 4 5 test điểm nghe mình vẫn giậm chân tại chỗ, có bài lại thấp hơn trước. Sau này ngẫm lại, mình nhận ra khuyết điểm của phương pháp, đó là vô tình nó đã khiến chúng ta tạo thành thói quen muốn nghe từng từ và tất cả các từ trong một câu.

Trong khi đó, đề thi TOEIC nói rất nhanh, sẽ rất khó để nghe hết tất cả các từ trong một câu. Điều này dễ dẫn đến ức chế cho các bạn và ảnh hưởng tâm lý chung khi làm bài thi. Bên cạnh đó, nếu bạn “lỡ” không nghe được một từ sẽ dẫn đến hiệu ứng domino, không nghe được các từ còn lại, não của bạn sẽ bị quá tải vì nhiều âm thanh vô nghĩa cùng lúc “tấn công”, khiến cho chúng ta có cảm giác nặng nề và buồn ngủ (Chắc ai làm bài nghe TOEIC cũng hiểu cảm giác này ^^) . Nhưng quan trọng hơn, do tập trung nghe từng từ một nên có thể bạn sẽ xem nhẹ hoặc thậm chí không hiểu nghĩa của câu và đoạn. Bên lề một chút là phương pháp này cũng khá… mỏi tay (dù bạn đánh máy hay viết ra giấy) 🙂

Tại sao chúng ta không nghe được? Cần rút ra những kinh nghiệp học thế nào cho hiệu quả?

Có 3 nguyên nhân khiến chúng ta không nghe được

Thiếu từ vựng

Từ vựng là nền tảng của mọi thứ, dù là nghe, nói hay đọc, viết. Listening thì “lời nói gió bay” trong khi TOEIC lại “bay” rất nhanh, phần đọc có thể đoán mò chứ phần nghe rất khó đoán nếu chúng ta có vốn từ vựng hạn chế. Một vốn từ vững chắc sẽ giúp các bạn an tâm và làm bài chính xác, hiệu quả hơn. Vậy thì làm sao để tăng vốn từ? Và học từ vựng ở tài liệu nào?

Một cuốn sách gối đầu giường của mọi thế hệ đi thi TOEIC (trừ những năm trước khi sách xuất bản ^^) –“600 essential words for the TOEIC”. Giống như tên của nó – “600 từ thiết yếu” – bạn phải có ít nhất 600 từ trong sách để có thể đi thi. Sách chia làm 50 chủ đề và mỗi chủ đề sẽ có 12 từ. Điểm mình đánh giá rất cao cuốn này là bài tập phong phú, các bài tập đều bám sát chủ đề và các từ cần học. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng lại các từ đã học trong những bài sau để giúp chúng ta vừa ôn từ vừa học từ trong ngữ cảnh mới, giúp ghi nhớ sâu sắc hơn. Một điểm mình cần lưu ý các bạn là mặc dù tác giả ghi 600 từ nhưng thật ra còn phần từ gia đình (word family) cũng rất quan trọng vì nếu bạn học từ “expire” (động từ; hết hạn) phiên âm là /ɪkˈspaɪər/ nhưng trong đề thi bạn nghe “expiration” (danh từ; sự hết hạn) đọc là “/ˌekspəˈreɪʃn/” rất khó để các bạn hiểu được nghĩa của từ nếu chưa gặp. Do đó, chúng ta cần học các từ gia đình trong bài (và vì vậy vốn từ thật sự các bạn thu được từ cuốn sách này cũng không dưới 1000 từ)

Sau khi học cuốn 600 từ, nếu muốn nâng cao thêm các bạn có thể đọc sách “Hackers TOEIC Reading”. Đây là một trong những giáo trình mới nhất và hay nhất hiện nay về TOEIC. Nếu gọi “600 essential words for the TOEIC” là cuốn sách kinh điển thì “Hackers TOEIC Reading” xứng đáng là cuốn sách từ điển J vì độ dày và mức độ bao phủ của nó.

Nguồn thứ ba mình muốn giới thiệu đó là mục từ vựng (Vocabulary và Collocations) trên page Cùng học TOEIC 990 ^^. Các từ vựng đều trích nguồn từ 2 sách đã kể ở trên nên các bạn có thể yên tâm về mức độ chọn lọc của nó. Đặc biệt, page cũng đã Việt hóa từ vựng sách Hackers và thiết kế lại từ theo dạng điền vào chỗ trống, có màu sắc để giúp các bạn học dễ nhớ hơn.

Yếu phát âm

Nếu bạn phát âm sai, làm sao bạn có thể nghe đúng được? Do cách học ở phổ thông chú trọng vào ngữ pháp và từ vựng nên chúng ta ít được học phát âm. Một từ nếu nằm trên giấy thì bạn có thể hiểu nghĩa nhưng nếu chúng ta nghe thì có thể sẽ không biết đó là từ gì (Và khi đọc script có thể bạn sẽ vỡ òa trong đau khổ :(). (Về vấn đề phát âm, ad Tiến đã viết một note phương pháp luyện tập. Các bạn có thể tham khảo tại link: http://bit.ly/phatamcoban)

Mình rút ra được một kinh nghiệm học tiếng Anh với các bạn là ngoài việc học phát âm (tức cách cử động các vị trí như miệng, lưỡi,… để tạo âm) thì chúng ta nên học phiên âm quốc tế, ví dụ như cách phát âm expiration là /ˌekspəˈreɪʃn/. Khác với Tiếng Việt, tiếng Anh không thể đánh vần thành âm được, mỗi từ lại có cách phát âm khác nhau và không theo qui luật, ví dụ như “gear” đọc là “/ɡɪə/” (tương tự chữ “ghia” tiếng Việt) và “bear” đọc là “/beə(r)/” (tương tự chữ “be” trong tiếng Việt). Do đó, chúng ta nên học phiên âm quốc tế để có thể nhìn vào từ điển và biết cách phát âm chính xác nhất. Ngoài ra, khi học phát âm, những hiện tượng như luyến âm, biến âm, đồng hóa, giản lược cũng nên chú ý vì phần Listening cũng có những hiện tượng này, nếu không quen có thể không nghe được mặc dù các từ đơn lẻ chúng ta đều biết.

Một giáo trình phát âm rất hay là Pronunciation Workshop (đã đề cập trong note). Ở đây mình muốn nói rõ thêm với các bạn về tác dụng của giáo trình này. Mình thường đọc được lời khuyên trên mạng là hãy nghe radio, nghe nhạc, xem phim,… bằng tiếng Anh thật nhiều để tăng khả năng nghe. Mình không nghe radio, nhạc cũng chủ yếu tiếng Việt (do không thích nhạc tiếng Anh hiện giờ), xem phim thì thỉnh thoảng.

Không theo kịp tốc độ của người nói

Sau khi đã xây vốn từ, đã học cách làm rõ các âm nghe được, có thể bạn vẫn không nghe được vì bạn nghe không đúng cách.

Như đã nói ở trên, khi nghe nếu bạn cố gắng nghe từng từ chẳng bao lâu bạn sẽ bị mệt vì quá tải, cho nên mình nghĩ phương pháp tốt nhất vẫn là nghe theo key word (từ khóa), những từ quan trọng nhất trong câu. Trong khi nói, người nước ngoài sẽ có những chỗ lên giọng, những chỗ nói to hơn hoặc kéo dài hơn, đó chính là những từ họ cần nhấn mạnh. Vì vậy, key word có thể nghe dựa vào ngữ điệu và nhấn nhá của họ. Từ những key word đó, chúng ta sẽ đoán được nội dung của câu. Ngoài ra, mặc dù nghe key word nhưng nếu nghe quen, sau này bạn sẽ có thể nghe rõ tất cả từ còn lại dựa vào key word. Phương pháp nghe key word sẽ giúp bạn giảm tải được khối lượng cần phải nghe, giúp não luôn chủ động xử lý, tránh bị mệt mỏi mà vẫn nắm được ý nghĩa của bài listening.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here