Sáu trở ngại luyện nghe tiếng Anh

0
1479

Ngoài phát âm sai, từ vựng kém, Hoàng Ngọc Quỳnh cho rằng trở ngại khi luyện nghe tiếng Anh còn là chọn sai tài liệu và thiếu tập trung.

Hoàng Ngọc Quỳnh, sinh năm 1990, cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, tốt nghiệp loại xuất sắc trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh năm 2017. Năm ngoái, chị giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Lancaster (Anh) trị giá 89.000 bảng Anh (khoảng 2,6 tỷ đồng) và là tác giả hai cuốn sách luyện nghe, nói tiếng Anh. Với kinh nghiệm du học, trong đó IELTS Speaking 8.5, chị Quỳnh chỉ ra sáu trở lại khiến người học gặp khó khi luyện nghe tiếng Anh.

Việc luyện nghe tiếng Anh gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Một phần do các bạn không có môi trường để học và thực hành kỹ năng nghe từ sớm, vốn từ vựng hạn chế hay khả năng phát âm tiếng Anh chuẩn chưa tốt; một phần do bạn không luyện được sự tập trung khi nghe tiếng Anh, và phần còn lại do việc thực hành chưa đúng cách hoặc chưa đủ.

Tôi sẽ lần lượt phân tích các khó khăn kể trên và đưa ra một số giải pháp để phần nào giúp các bạn luyện nghe tiếng Anh dễ dàng và hiệu quả hơn.

1. Phát âm (Pronunciation)

Cách phát âm của người bản ngữ rất khác so với cách bạn vẫn nói tiếng Anh, khiến bạn bị “lạc” khi nghe, không thể bắt nhịp kịp để hiểu hết những gì họ nói. Trong nhiều trường hợp, vì không thể nghe rõ những câu đầu, bạn sẽ hoang mang và không tập trung được vào phần còn lại của cuộc hội thoại.

Ngoài việc nghe được cách phát âm chuẩn của 44 âm tiếng Anh và thực hành để có thể nói được gần giống như vậy, bạn nên quan tâm đến một số vấn đề khác để luyện nghe tiếng Anh tốt hơn.

Đầu tiên, bạn cần học cách nhấn trọng âm của từ (word stress) chính xác. Việc quen với cách nói có trọng âm, nhấn trọng âm chính xác giúp việc nghe tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn.

Tiếp theo, bạn cần học và thực hành cách nối âm và nói giản lược trong phát âm tiếng Anh (linking and reduction). Đa số từ tiếng Anh có xu hướng được nối với nhau trong các hội thoại theo tốc độ tự nhiên.

Ngoài ra, người bản ngữ cũng thường xuyên rút gọn các từ khi nói (reduction). Điều này giúp họ cảm thấy việc nói (đặc biệt trong giao tiếp đời thường) dễ dàng, hiệu quả và tự nhiên hơn. Tuy nhiên, thói quen này lại khiến người nghe, đặc biệt là những người có tiếng mẹ đẻ riêng rẽ, không nối với nhau khi phát âm (như tiếng Việt) sẽ cảm thấy khó khăn.

2. Từ vựng (Vocabulary)

Nếu đã thực hành nghe tiếng Anh trong thời gian tương đối dài, thậm chí một vài năm, bạn có thể phát âm chuẩn, nhưng vẫn cảm thấy khó hiểu khi nghe tiếng Anh theo nhiều chủ đề, khả năng rất cao là do vốn từ vựng của bạn còn hạn chế.

Khi lượng từ vựng không đủ, việc luyện nghe rất khó khăn dù bạn có tập nhiều lần. Bạn cần tích lũy đủ lượng từ vựng cơ bản, thực tế và theo các chủ đề thông dụng. Dĩ nhiên, bạn sẽ không thể học được hàng trăm từ vựng chỉ qua một đêm mà nên học từ từ để tìm phương pháp phù hợp với bản thân. Bạn có thể học từ vựng qua các tình huống giao tiếp, tra từ điển, ghi chép, hoặc qua ngữ cảnh với các bài luyện nghe theo nhiều chủ đề.

3. Sự tập trung (Concentration)

Nếu quá lo lắng về việc phải nghe hiểu hoặc luôn nghĩ về nhiều thứ khác nhau, bạn sẽ lơ đễnh và khó bắt hết các ý mà mình nghe được. Thực ra đây không phải là chuyện của riêng bạn mà là vấn đề của rất nhiều người học tiếng Anh, thậm chí cả những người mà các kỹ năng khác đã khá tốt. Vì vậy, song song với việc học từ vựng và phát âm chuẩn, bạn cần nâng cao sự tập trung khi nghe tiếng Anh.

4. Phương pháp luyện nghe (Listening Methods)

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy có nhiều cách để thực hành nghe tiếng Anh. Cách nghe nào cùng đúng, trừ luyện nghe một cách thụ động (passive listening only). Trên thực tế, luyện nghe thụ động cũng là một cách thực hành kết hợp cho việc học tiếng Anh khá tốt. Bạn có thể chỉ nghe mà không cần phải hiểu, hay theo cách nói dễ hiểu của nhiều người chính là “tắm tiếng Anh”. Cách thực hành này giúp não bộ làm quen với âm điệu, ngữ điệu, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh và giúp cho việc học dễ dàng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu luôn nghe tiếng Anh một cách thụ động, bạn có thể cảm giác như mình hiểu hết những gì nghe thấy nhưng đó chỉ làm cảm giác. Bởi thực tế, bạn không chủ động “nạp” từ vựng, ngữ pháp và các cách phát âm đó vào đầu mà chỉ mới “làm quen” với chúng. Thậm chí, việc nghe thụ động còn “tai hại” tới mức, bạn dần hình thành thói quen nghe mà không cần hiểu. Điều này đồng nghĩa với việc dần dần bạn không có phản xạ nghe hiểu tiếng Anh.

Bạn cần kết hợp cả hai phương pháp thực hành nghe bằng cách thường xuyên nghe chủ động, hiểu những gì mình nghe được, từng chút một. Khi thực hành nghe thụ động kết hợp với chủ động đủ lâu, tiếng Anh sẽ “ngấm” dần vào não bộ của bạn.

Các từ, cụm từ và các câu tiếng Anh có tần suất được sử dụng nhiều nhất được lặp đi lặp lại trong đầu tới khi bạn có thể sử dụng được chúng. Khi đó, bạn bắt đầu có khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh, nói ra được tiếng Anh và dần “phản xạ nghe hiểu” với các bài nghe với tốc độ nhanh dần.

5. Tài liệu luyện nghe (Listening Materials)

Nếu bạn chọn tài liệu nghe quá khó hoặc quá dễ (việc này liên quan tới tốc độ nghe và từ vựng sử dụng trong bài nghe) thì khả năng nghe sẽ khó được cải thiện.

Nếu tài liệu nghe quá khó, bạn sẽ không thể hiểu được những gì nghe được, do đó dễ dàng từ bỏ việc học tiếng Anh. Một số người bạn của mình muốn tăng khả năng nghe “thần tốc” đã chọn cách nghe tin tức từ CNN, CNBC và xem phim không phụ đề. Các bạn ấy đều thất bại trong việc cải thiện khả năng nghe, vì các tài liệu này thực sự là vượt xa trình độ khi đó.

Ngược lại, nếu tài liệu luyện nghe quá dễ, khả năng nghe của bạn sẽ chỉ dừng chân tại chỗ. Bạn có thể cảm thấy các video dạy tiếng Anh khá dễ nghe có tốc độ nói khá chậm, từ vựng đơn giản hướng vào người học. Nếu không bước ra khỏi “vùng an toàn”, bạn sẽ không thể hướng tới việc nghe hiểu các bản tin tiếng Anh hay xem phim không cần dùng phụ đề.

Cách chọn tài liệu:

– Tài liệu nghe mức trung bình, giúp bạn hiểu 70-80%. Bạn cũng có thể chọn các tài liệu “siêu khó” để thách thức khả năng nghe như đã đề cập bên trên, nhưng chỉ nên sử dụng khi đã hiểu sơ nội dung bằng việc xem transcript hoặc học trước từ mới.

– Tài liệu nghe thuộc các lĩnh vực bạn hiểu hoặc chủ đề quan tâm, hứng thú. Việc này rất quan trọng vì chí ít bạn cũng hiểu ít nhiều hoặc đoán biết được nội dung đang được nói tới. Việc bắt đầu bằng những thứ khiến bạn muốn tiếp tục nghe, xem, đọc sẽ là điểm khởi đầu thuận lợi trong hành trình học tiếng Anh đầy khó khăn.

6. Động lực (Motivation)

Trở ngại cuối cùng với nhiều bạn trong việc thực hành nghe tiếng Anh nói riêng và học các kỹ năng tiếng Anh nói chung chính là thiếu động lực học tập. Khi nghe không hiểu, bạn thường chán nản, mất động lực và từ bỏ.

Thực ra, tiếng Anh cần rất nhiều thời gian luyện tập để có thể thuần thục, không phải chỉ sau vài ngày chăm chỉ luyện tập là đủ. Đặc biệt trong một môi trường không nói tiếng Anh, việc nghe hiểu ngôn ngữ này sẽ mất thời gian dài.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here